Nguyên nhân vi sinh dạng sợi phát triển ưu thế:
Cũng do tính chất ít biến động của môi trường phản ứng: cơ chất, chất dinh dưỡng cho vi sinh vật thường rất thấp (để phù hợp với tiêu chuẩn thải) nên dễ xuất hiện hiện tượng bùn khó lắng (bulking) do sự phát triển quá mức của vi khuẩn dạng sợi.
Để ngăn chặn sự phát triển mạnh của vi sinh dạng sợi đòi hỏi phải thiết kế và vận hành hệ thống xử lý nước thải hợp lý. Sự phát triển của vi sinh dạng sợi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố:
- Thành phần tạp chất trong nước thải. Chất ô nhiễm dễ sinh hủy họ đường (glucose, maltose, lactose) trong nước thải mía đường, chế biến rau quả, tinh bột thúc đẩy sự phát triển của vi sinh dạng sợi. Tạp chất khó sinh hủy trong nước thải của công nghiệp hóa chất, hóa dầu, dệt nhuộm, nước thải hỗn hợp ít thúc đẩy sự phát triển của chúng.
- Nồng độ oxy hòa tan. Vi sinh vật nằm trong tập hợp keo tụ cũng cần được cung cấp oxy, vi sinh vật nằm ở phía bên trong hạt keo tụ ít có cơ hội nhận được oxy so với vi sinh vật nằm ở phía ngoài do oxy phải khuyếch tán qua một quãng đường dài hơn từ ngoài môi trường nước vào và bị tiêu hao bởi vi sinh ở phía ngoài hạt keo tụ. Mức độ cạn kiệt, thiếu oxy cho vi sinh vật ở phía trong tăng lên khi mật độ vi sinh cao, độ ô nhiễm thấp, tức là tải lượng hữu cơ (F/M) nhỏ. Do độ dài của vi sinh vật dạng sợi (1–4 mm) lớn hơn so với các loại vi khuẩn khác, tỉ lệ diện tích so với thể tích (khối lượng) của chúng lớn hơn các dạng khác nên khả năng hấp thu oxy và cơ chất tốt hơn loại có dạng khác như hình cầu, chúng vẫn có khả năng thu nhận oxy ngay cả khi nồng độ oxy ở mức thấp hơn 0,1 mg/L trong khi các chủng loại vi sinh khác không có khả năng đó.
- Vi sinh vật dạng sợi là loại có sức sống dai trong hoàn cảnh môi trường khắc nghiệt, thiếu thốn, vì vậy nên hiện tượng bùn khó lắng xảy ra thông thường trong điều kiện thiếu cơ chất hoặc thiếu oxy. Điều đó chính là nguyên nhân xuất hiện bùn khó lắng trong các hệ xử lý khuấy trộn đều, ít xuất hiện trong kỹ thuật xử lý gián đoạn hoặc dòng đẩy lý tưởng.
- Một trong những nguyên nhân khác trong xử lý nước thải công nghiệp là do nước thải thiếu nguồn dinh dưỡng nitơ, photpho, ví dụ trong xử lý nước thải giấy. Có nghiên cứu chỉ ra rằng để không xảy ra hiện tượng bùn khó lắng cần nồng độ amoni và photphat tan tối thiều là 1,5 mg/L và 0,5 mg/L trong nước thải sau xử lý.
- Tình trạng nghèo cơ chất, loại đa cũng như vi lượng, thiếu oxy là nguyên nhân thúc đẩy vi sinh vật dạng sợi phát triển và gây ra hiện tượng bùn khó lắng.
Hậu quả của sự phát triển vi sinh dạng sợi:
Vi khuẩn dạng sợi rất cần thiết cho quá trình tạo bông bùn và khả năng lắng của bùn hoạt tính. Tuy nhiên khi vi khuẩn dạng sợi phát triển ưu thế sẽ gây ra các vấn đề như:
- Bọt nổi trên bề mặt bể hiếu khí, gây mất cảm quan hệ thống
- Hàm lượng vi khuẩn sợi phát triển cao gây ra hiện tượng khó lắng của bùn hoạt tính, ảnh hưởng đến chất lượng nước thải đầu ra.
Biện pháp khống chế sự phát triển của vi sinh dạng sợi:
- Đối với hệ thống bùn hoạt tính hoạt động liên tục: Châm thêm liều lượng Javen vào đường ống hồi lưu bùn. Javen có tính oxi hóa sẽ loại bỏ vi khuẩn dạng sợi, giúp các loại vi khuẩn khác phát triển ưu thế, duy trì bùn hoạt tính về mức cân bằng.
- Đối với hệ thống bùn hoạt tính hoạt động dạng mẻ: Trước khí ngưng sục khí khoảng 10 phút, thêm Javen vào bể SBR để loại bỏ vi khuẩn dạng sợi, giúp các loại vi khuẩn khác phát triển ưu thế, duy trì bùn hoạt tính về mức cân bằng.
HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN CHI TIẾT